Thứ ba, 20/12/2022
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết xây dựng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong năm đầy biến động như 2022-2023 là việc làm rất cần thiết.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: UNDP)
Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tại Việt Nam, ước tính hiện có khoảng 4% số doanh nghiệp đang hoạt động được xếp vào nhóm doanh nghiệp tạo tác động xã hội tương đương với khoảng 22.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, phần lớn lại là do người yếu thế làm chủ hoặc các đối tượng lao động, làm việc trong đó hầu hết là người yếu thế như phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật hay nhóm đa dạng về giới…. Họ vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được cả hai mục tiêu là tạo ra doanh thu đồng thời tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.
Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp tạo tác động xã hội là việc thiếu vốn, thiếu thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu kiến thức và kỹ năng về quản trị doanh nghiệp. Song song đó, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội còn phải chịu nhiều thách thức khác từ ngoại cảnh như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, thiếu các đơn vị trung gian hỗ trợ, thiếu sự kết nối của các thành viên trong hệ sinh thái, thiếu nhận thức của xã hội; đặc biệt, thiếu các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Để tạo nên cộng đồng các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và đạt tới sự phát triển nhanh chóng về số lượng và nâng cao về chất lượng, cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn nhằm giải quyết những thách thức mang tính hệ thống và giúp họ tạo nên liên kết để cùng nhau đối mặt và vượt qua thách thức.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết xây dựng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong năm đầy biến động như 2022-2023 là việc làm rất cần thiết.
Nhờ có những nỗ lực không ngừng của họ trong suốt thời gian qua đã chứng minh khả năng phục hồi trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Chính phủ cùng các cấp ngành nên nghiên cứu, xem xét để xây dựng cơ chế, chính sách giúp đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Trước đây, Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19 với tên gọi ISEE-COVID đã được UNDP phối hợp cùng Cục phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, nhờ vào sự tài trợ của Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC). Dự án nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam và góp phần giảm tác động của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Năm 2022, dự án đã tích cực triển khai các hỗ trợ về vốn mồi, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, nâng cao năng lực và sự phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ họ; đồng thời, bước đầu triển khai các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết một trong những mục tiêu của chương trình hợp tác phát triển của Canada là nhằm thúc đẩy các nguồn vốn tư nhân để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và bao trùm. Dự án ISEE-COVID nêu bật cam kết của Canada trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Dự án cũng đáp ứng các ưu tiên giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội là các tổ chức kinh doanh có lợi nhuận và có mục tiêu tác động xã hội rõ ràng, họ là nhân tố then chốt để đảm bảo rằng khu vực tư nhân phát huy hết tiềm năng, góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ SDGs. Với sự tham gia của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, giải quyết nhiều vấn đề về giới hay ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; song song đó, qua tạo thêm việc làm và cải thiện sinh kế, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương.
Đánh giá về vị thế của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, bà Ramla Khalidi cho hay, không chỉ tạo nên những tác động xã hội, nhóm các doanh nghiệp này còn góp phần tạo hệ sinh thái cho nhóm yếu thế trong xã hội như thông qua việc tạo việc làm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ…. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp thông thường, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội thường gặp khó khăn hơn do các đặc thù của mình. Mặc dù chưa có một chính sách dành riêng cho nhóm các doanh nghiệp tạo tác động xã hội nhưng Chính phủ đã luôn ghi nhận, khuyến khích và đánh giá cao các doanh nghiệp này.
Khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tạo tác động xã hội là làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp truyền thống. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp mong muốn mang lại lợi ích lớn và tốt hơn cho xã hội.
Dự án ISEE-COVID sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong năm 2023 và 2024. Cộng đồng các doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ được khuyến khích tham gia các gói hỗ trợ của dự án, bà Ramla Khalidi cho biết.
Theo TTXVN