Trang chủ Kinh doanh Xuất-nhập nông phẩm Việt có đáng lo?

Xuất-nhập nông phẩm Việt có đáng lo?

bởi Linh

Thứ sáu, 23/12/2022

Thương hiệu “Cơm Việt Nam” của Tập đoàn Lộc Trời có mặt tại Hà Lan, Đức, Pháp… và được bày bán tại hệ thống siêu thị hàng đầu châu Âu – Carrefour; gạo ST25 mang thương hiệu “A An” của Tập đoàn Tân Long chinh phục thị trường Nhật Bản… được xem là những dấu mốc mang nhiều ý nghĩa với lúa gạo Việt Nam.

Xuất-nhập nông phẩm Việt có đáng lo?Đó là sau nhiều năm xuất khẩu dưới dạng “bao trơn”, hay đóng gói tên nhà nhập khẩu nước ngoài. Nay thương hiệu gạo Việt Nam đã định hình tại những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Hay lô bưởi đầu tiên 40 tấn từ Bến Tre được xuất khẩu sang Mỹ cũng là tín hiệu vui. Với diện tích trồng bưởi khoảng 10.000ha, thu hoạch trên 200.000 tấn quả/năm, người trồng bưởi được hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng; chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch đảm bảo đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ và EU. Riêng Mỹ đã được cấp 11 mã số với diện tích 156,76ha, sản lượng 3.135 tấn/năm. Bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam tiếp bước xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa, đi vào thị trường lớn này.

Rồi khoai lang, tổ yến là mặt hàng thứ 12 và 13 sau 11 loại rau quả được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Quan trọng là hàng xuất đi theo đường biển đã giảm áp lực đối với các cửa khẩu trên bộ phía Bắc từng xảy ra ách tắc bất ngờ khó chịu. Rồi bưởi và chanh là loại quả thứ 14 và thứ 15 từ Việt Nam sang New Zealand, sau xoài, thanh long và chôm chôm.

Điều đó minh chứng cho những nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu rau quả nói riêng và nông phẩm Việt nói chung, tạo sức mạnh nội sinh cho việc xuất khẩu những mặt hàng tiềm năng của xứ sở đồng đất màu mỡ, ngập tràn nắng gió. Đây là tín hiệu của chiến lược đổi mới – từ chú trọng sản lượng sang hướng tới chất lượng, cũng như phát triển chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản.

Nếu chỉ dừng ở đây chúng ta sẽ ung dung thưởng ngoạn niềm vui. Song nhìn ngược lại cũng là nỗi lo, khi Việt Nam đang trở thành quốc gia nhập khẩu phần lớn nông sản của Campuchia, với hàng loạt sản phẩm như điều, cao su, gạo… Năm 2012, nông sản từ Campuchia xuất sang Việt Nam vỏn vẹn 215 triệu USD. Với 4 mặt hàng gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ – bắp ngô – thủy sản – cao su. Đến 2020 tăng lên 756 triệu USD. Năm 2021, nông sản từ đất nước Chùa Tháp sang ta thành làn sóng lên tới 3,5 tỷ USD (tăng gấp 4,6 lần so với năm 2020 và gấp 16,2 lần năm 2012), chiếm gần 80% giá trị xuất khẩu nông sản của Campuchia. Thậm chí, tới tháng 9-2021, thị trường này vượt Mỹ, Trung Quốc, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất nông sản sang Việt Nam.

Hay như chuyện nhập gần 1 triệu tấn gạo chủ yếu từ Ấn Độ để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, bia, rượu… Lâu nay thấy bán gạo Thái, gạo Campuchia cứ nghĩ chỉ với các nhà khá giả, kén ăn, nay nghe nhập khẩu cả triệu tấn thì giật mình. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó hơn 72% là gạo Ấn Độ (719.970 tấn), với chủng loại gạo chủ yếu cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác). 5 doanh nghiệp nhập khẩu lượng lớn gạo giá rẻ từ Ấn Độ cũng đã được “hỏi thăm sức khỏe”. Và họ biện minh cho chuyện này là mua giá rẻ để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với gạo từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AIFTA).

Đành rằng, trong thế giới phẳng hội nhập sâu rộng không thể căn ke chuyện nước nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước như ta không được nhập khẩu nông sản. Nhưng đến nước này không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế về sản xuất và xuất khẩu nông phẩm, đặc biệt là gạo. 11 tháng năm 2022 xuất khẩu 3,1 tỷ USD rau quả và 6,9 tấn gạo, song nhập khẩu gần 1,9 tỷ USD rau quả ngoại và khoảng 1 triệu tấn gạo như trên, quả thật vẫn đáng lo ngại.

Nguyễn Duy Nghĩa/Sài Gòn đầu tư tài chính

Có thể bạn quan tâm