Trang chủ Đầu tư Đầu tư công cần “lĩnh ấn tiên phong”

Đầu tư công cần “lĩnh ấn tiên phong”

bởi Linh

Thứ ư, 28/12/2022

Với tổng vốn đầu tư công trên 700 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, nếu được giải ngân và nâng cao hiệu quả sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế không nhỏ, giúp bù đắp cho những động lực khác như xuất khẩu, tiêu dùng với dự báo khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ như 2022. Tuy nhiên, để hiện thực hóa kỳ vọng trên là không dễ dàng.

Giải ngân chưa đạt

Đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế… một mặt vừa kích thích tổng cung, tổng cầu, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, gián tiếp giúp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mạnh hơn. Những lợi ích dù trực tiếp hay gián tiếp của đầu tư công đều là rất lớn. Do đó, tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (chiếm 5-6% GDP) nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Nhưng quan trọng hơn, muốn có được những tác động tích cực và mang tính lan tỏa đó thì nguồn vốn này phải được giải ngân nhanh, hiệu quả theo đúng kế hoạch đặt ra. Ở phương diện này, cho đến nay lại chưa đạt và thực trạng “giải ngân chậm” vẫn diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua. Riêng trong năm 2022, dù đã có rất nhiều nghị quyết, công điện, hội nghị, văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, song đến hết 11 tháng, ước con số giải ngân là 338,319 nghìn tỷ đồng, tức mới đạt 58,33% kế hoạch Chính phủ giao (541,8 nghìn tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2021 về tỷ lệ dù con số giải ngân tuyệt đối là cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Giải ngân chưa đạtGiải phóng mặt bằng là một trong những “nút thắt” của các dự án đầu tư công

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 40 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc về giải ngân đầu tư công nằm ở 03 nhóm nguyên nhân chủ yếu: Thể chế, chính sách pháp luật; Khâu tổ chức triển khai, thực hiện; Và nhóm liên quan đến những đặc thù của năm 2022. Trong đó, có không ít vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa có các giải pháp căn cơ.

Từ góc độ nhà thầu, trước nghịch lý “có tiền mà không tiêu được” và đặt câu hỏi tại sao giải ngân đầu tư công vẫn chậm? ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu (VACC) chỉ ra một nguyên nhân quan trọng là thủ tục đầu tư và thanh quyết toán của các dự án còn có một số vấn đề. Ông Hiệp dẫn chứng, việc chuẩn bị hồ sơ dự án (khảo sát, thiết kế…) còn sơ sài, sai lệch nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có thay đổi, phát sinh. “Mà đã có phát sinh thì thủ tục thanh toán lại trở lên phức tạp, mất thời gian, các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư đều ngần ngại xử lý”, Chủ tịch VACC cho biết.

Trong khi đó, với các nhà thầu xây dựng – lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công, tức là nếu các nhà thầu thực hiện được khối lượng lớn thì giải ngân sẽ nhanh – hiện đang rất khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đơn giá, định mức. Nổi lên là việc áp dụng đơn giá đầu vào, nhân công, máy móc của địa phương để lập dự toán công trình đều thấp xa so với

thực tế doanh nghiệp phải chi trả. Đơn cử, “công tác đắp nền đường đơn giá là 16.000đ/m3, nhưng thực tế phải thuê khoán là 30.000đ/m3; công tác đắp cấp phối đá dăm theo định mức dự toán là 35.000đ/m3 giá thực tế thi công là 120.000đ/m3; công tác đóng cọc bê công cốt thép theo định mức là 55.000đ/m3 giá thi công thực tế là 150.000đ/m3; đơn giá nhân công 3,5/7 nhóm 2 là 235.000đ/công trong khi đơn giá thuê khoán hiện nay khoảng 450.000- 600.000đ/ngày hay đơn giá lương kỹ sư bậc 2 là 6 triệu đồng/tháng trong khi thực tế khoảng 20 triệu; một số công tác như lắp đặt cáp treo cầu dây văng, cầu dây võng, rút cừ ngầm trong nước… chưa có trong định mức”, ông Hiệp dẫn một loạt ví dụ và nhấn mạnh, hệ thống đơn giá định mức đang áp dụng hiện nay còn nhiều bất cập, khiến các nhà thầu quá thua thiệt nhưng không làm thì không có việc cho người lao động.

Không để lặp lại kịch bản chậm giải ngân

Để đầu ra của vốn ngân sách ở các dự án đầu tư công được lưu thông nhanh chóng, Chủ tịch VACC đề xuất, cần có những điều chỉnh và bổ sung đối với hệ thống đơn giá định mức hiện nay và cần làm ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án. Đồng thời, có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh. Với các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn (như Sân bay Long Thành), cần nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, liên danh và xét thầu phù hợp để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.

Không để lặp lại kịch bản chậm giải ngânVốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 11 tháng năm 2022 của một số địa phương

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Như trên đã nói, câu chuyện giải ngân chậm đã tồn tại nhiều năm qua và khiến con số tuyệt đối cần giải ngân rất lớn trong năm 2023, vì thế vấn đề này càng trở nên thách thức. Ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023, mức vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố được Trung ương phân bổ là hơn 70 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với mức vốn đầu tư công thành phố đã triển khai trong năm 2022. “Đây là một thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và giải ngân vốn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thành phố phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm nhằm tạo sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, ông Chánh nói.

Bên cạnh đó, toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi cũng phải giải ngân xong theo mục tiêu đã đặt ra. Trong khi đó, hoạt động đầu tư công như đã nói, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập đã tồn tại từ lâu chưa xử lý được. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành. Trong đó, tập trung vào rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội trong năm tới. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới. Thứ trưởng Phương lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu của năm 2023.

Đỗ Lê/TB Ngân Hàng

Có thể bạn quan tâm