Trang chủ Tài chính Nên duy trì giảm 2% thuế VAT!

Nên duy trì giảm 2% thuế VAT!

bởi Linh

Thứ năm, 29/12/2022

Với sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam lướt đi khá êm trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt rất nhiều khó khăn.

Tăng trưởng cả năm kỳ vọng đạt 8% với nhiều điểm sáng như xuất nhập khẩu vượt 730 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài gần 28 tỷ USD… Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát dưới 4% – đây là một thành công khi so với những năm trước hoặc khi nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đang phải chống chọi với lạm phát 2 con số.

Đóng góp vào thành công ấy phải kể đến quyết sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vào tháng 1 năm nay và thể hiện trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đây là một quyết sách hết sức kịp thời, không chỉ có tác động kép mà còn hết sức trực diện và toàn diện.

Mặc dù chưa có những đánh giá mang tính định lượng song có thể khẳng định giảm thuế VAT góp phần không nhỏ trong việc giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, qua đó giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính sách thuế giảm VAT còn mang lại nhiều hơn thế! Người hưởng lợi là toàn xã hội, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến từng người dân. Với những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hay bị giảm thu nhập do mất việc làm, giảm thuế VAT giúp họ giảm gánh nặng chi tiêu. Đối với nhóm người tiêu dùng còn lại, giá cả hàng hóa giảm do thuế giảm chính là yếu tố kích thích tiêu dùng hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, thuế giảm dẫn đến giá thành giảm, nhờ đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, giảm giá bán, thúc đẩy tăng doanh số.

Bên cạnh đó, những mặt hàng được giảm VAT hầu hết là hàng tiêu dùng, trong khi các hạng mục dịch vụ và các mặt hàng được hưởng lợi trong đại dịch thì không. Điều này giúp cán cân nền kinh tế cân bằng hơn, các ngành nghề còn gặp khó vẫn tiếp tục được hỗ trợ để phát triển.

Ngoài ra, chính sách này cũng tác động đến an sinh xã hội, gián tiếp tác động đến tâm lý người dân, doanh nghiệp và do đó tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế.

Bước sang năm 2023, việc duy trì thành tích tăng trưởng và ghìm chân lạm phát khó khăn hơn khi những dự báo bi quan xuất hiện khắp nơi! Thế giới sẽ tiếp tục trong cơn bão lạm phát (nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại); nguy cơ suy giảm việc làm và suy thoái kinh tế hiển hiện. Một nền kinh tế mở như Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động sâu sắc, dù có thể muộn hơn do nhiều nguyên nhân.

Trước bối cảnh đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ năm 2023 phải tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, các công cụ kiềm chế lạm phát truyền thống như thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng cần tiếp tục được sử dụng. Trong đó, giảm thuế VAT với hàng hóa – một công cụ đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong năm 2022 như đã phân tích ở trên – cần được xem xét tới.

Ở góc nhìn khác, duy trì chính sách giảm VAT sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách, nhưng bài toán này có nhiều lời giải. Bằng chứng là thu ngân sách năm 2022 vẫn vượt dự toán khoảng 20% dù nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực thi. Sau những lúng túng ban đầu, hoạt động kê khai, nộp và thu thuế khi áp dụng chính sách này đã đi vào ổn định.

Đặt lên bàn cân những mặt lợi và hại, mặt được và mất nếu duy trì chính sách giảm thuế VAT 2% trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, có thể thấy câu trả lời khá rõ. Hy vọng, giải pháp này sẽ tiếp tục được cân nhắc áp dụng trong năm 2023 để đẩy lùi mối lo lạm phát, tiếp tục hỗ trợ người dân và tăng sức đề kháng để doanh nghiệp không bị cuốn theo những cơn gió được dự báo là không lành của nền kinh tế thế giới!

Nguồn: daibieunhandan.vn

Có thể bạn quan tâm