Thứ ba, 20/12/2022
Theo đánh giá chung từ các nghiên cứu, Việt Nam đang ‘trỗi dậy’ trong khu vực Đông Nam Á hấp dẫn dòng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là xu hướng khởi nghiệp sáng tạo.
Việt Nam có thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục, theo đó đã trở thành địa chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu,” ngày 19/12.
Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu,” ngày 19/12. (Ảnh: Vietnam+)
Xu hướng dòng vốn thay đổi
Xu hướng đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi sâu sắc, do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn.
Theo báo cáo của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3 đạt 81 tỷ USD và giảm 53% so với năm trước (giảm 90 tỷ USD) và giảm 33% so với quý 2 (giảm 40 tỷ USD). Tại khu vực Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý 3, giảm 36,4% so với cùng và giảm 22% so với quý trước.
Tuy nhiên, những phân tích từ báo cáo cũng chỉ ra mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng với một số yếu tố chính, như tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4%-5%/năm, quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân và mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022.
Báo cáo của Golden Gate Ventures với tiêu đề “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” đã ghi nhận sự “cộng sinh” của các thị trường Singapore, Indonesia và Việt Nam sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng dòng vốn đầu tư của khu vực.
Tại diễn đàn, ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, cho biết trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ.
“Đến năm 2022, Việt Nam trở thành trụ cột thứ ba của ‘tam giác vàng’ này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng. Khi kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á,” ông Vinnie Lauria nói.
Cầu nối giữa các start-up và quỹ đầu tư
Theo đánh giá chung từ các diễn giả, Việt Nam đang “trỗi dậy” trong khu vực Đông Nam Á hấp dẫn dòng vốn đầu tư quốc tế.
Theo số liệu từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD với hơn 165 giao dịch vào năm 2021 (tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019). Và, đà tăng trưởng này dự báo tiếp tục sẽ gia tăng vào năm tới với mức GDP dự đoán là 6,7% (năm 2023).
Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết diễn đàn của các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần từ 425 triệu USD lên 815 triệu USD. Giai đoạn 2020 – 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD.
“Điều này cho thấy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về hiệu quả, Bộ trưởng ghi nhận các quỹ đầu tư đã hỗ trợ toàn diện cho các start-up về nguồn hỗ trợ tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho startups Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn.
Theo đại điện ban tổ chức, diễn đàn năm nay tạo ra không gian hỗ trợ các start-up gặp gỡ và kết nối với hơn 30 quỹ đầu tư trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng mang đến góc nhìn đa chiều từ các quỹ đầu tư về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ các quan điểm thẳng thắn về đầu tư, tạo mối quan hệ mật thiết giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp, đề xuất các chính sách cho Chính phủ Việt Nam nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững.
Chủ đề của diễn đàn năm nay phản ánh sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế và sự dịch chuyển này không chỉ là dòng vốn mà còn là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chính tri thức, công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo giá trị cho hoạt động đầu tư tài chính.”
Tại diễn đàn năm nay, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 – 2025 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 – 2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Theo vietnamplus.vn