Thứ năm, 15/12/2022
Xe điện (EV) đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc.
Mặc dù ô tô vẫn là mặt hàng xa xỉ đối với phần lớn các gia đình Việt nhưng tỷ lệ sở hữu ô tô riêng tại nước ta đang dần tăng cao. Điều đặc biệt là dường như thị trường ô tô Việt đang “đi tắt đón đầu” khi chuyển sang mua hẳn xe điện theo xu thế chung của thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, với tiềm năng phát triển nguồn điện sạch, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện cùng các yếu tố bên ngoài và được coi là cơ hội “vàng” để phát triển ngành ô tô điện.
Theo đại diện VinFast, với dân số 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn là thị trường ô tô điện đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn như điện gió, điện mặt trời là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa.
Đặc biệt, trong khi Thái Lan, Indonesia đang chạy đua để thu hút đầu tư thì Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước để phát triển ngành ô tô điện. Nếu chậm trễ một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi này.
Xe VinFast tại triển lãm CES 2022
Đây cũng là lý do tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022 ở Mỹ, VinFast đã công bố dừng sản xuất xe xăng, chuyển sang sản xuất xe thuần điện từ cuối năm 2022. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển sang thuần điện trong cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.
Theo bà Phan Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm Pin VinFast, các nước trên thế giới đã đầu tư cho xe điện và số lượng xe này đã tăng 4 lần từ năm 2015 đến năm 2020. Không chỉ tại châu Âu, Mỹ, các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản… đều ban hành các chính sách rất cụ thể, dành nhiều ưu đãi cho sản xuất, ưu đãi trực tiếp cho người dùng (miễn giảm thuế, tài trợ tiền cho người mua xe…). Đồng thời, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng trạm sạc để khuyến khích chuyển đổi xe xăng sang xe điện.
Xe VinFast đang trở nên phổ biến tại Việt Nam
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast sản xuất xe điện và nhìn chung, các dòng xe điện hóa chưa phổ biến trong nước. Số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít. Năm 2019 là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I/2021 là 600 xe. Tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng năm 2022 là câu chuyện hoàn toàn khác, hiện có khoảng hơn 3.000 ôtô điện đang lăn bánh tại Việt Nam, chủ yếu doanh số từ mẫu VF e34 và VF 8 được VinFast bán ra từ đầu năm nay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Hiroyuki Ueda thừa nhận, xe điện tại Việt Nam vẫn còn hiếm và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự chú trọng vào đầu tư kinh doanh, ngoại trừ hãng xe nội địa VinFast sản xuất xe và đầu tư cho hệ thống trạm sạc.
Trong khi đó, Toyota đang hợp tác với trường Đại học Bách khoa để nghiên cứu việc sử dụng xe Hybrid và thu được kết quả tích cực về tiêu chí tiêu thụ nhiên liệu và mức độ phát thải; Mitsubishi cũng có hai chương trình nghiên cứu chung với Cục Công nghiệp và Sở Công Thương Đà Nẵng về tính phù hợp trong việc sử dụng xe BEV và PHEV tại Việt Nam…
Audi E-Tron tại triển lãm ô tô Việt Nam VMS 2022
Đặc biệt, trước khi VinFast bàn giao xe điện e34 (VF 7) cho khách hàng Việt và mở bán xe e35 và e36 (VF 8 và VF 9) toàn cầu, hàng loạt mẫu xe như Audi e-Tron, Jaguar i-Pace, Porsche Taycan, Mercedes-Benz EQS, Hyundai Ioniq5 cũng đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng thăm dò. Cũng trong năm 2022, chiếc KIA điện EV6 đầu tiên xuất hiện tại khu phức hợp Chu Lai của THACO bị lọt thông tin ra ngoài khiến nhiều người cho rằng mẫu xe này sẽ sớm ra mắt thị trường Việt. Xâu chuỗi các sự kiện này có thể thấy dấu hiệu phân khúc ô tô điện sẽ rất nhộn nhịp trong tương lai.
Xe điện và vai trò Chính sách
Liên quan đến câu chuyện phát triển xe điện tại Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, xe điện có trở nên phổ biến hay không phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế và số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin); trong đó chính sách đóng vai trò đầu.
Thế nhưng, hiện tại chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu. Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.
Xe Hybrid đang được thử nghiệm nhiều tại thị trường Việt Nam
Còn theo ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), dù đã có những cố gắng nhưng số lượng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn thế giới nên cần phải bổ sung…
Ông Hiroyuki Ueda cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì các thành viên VAMA sẽ khó thấy khả thi khi đầu tư vào lĩnh vực xe điện tại Việt Nam và đây là lý do khiến xe điện hóa chưa phổ biến.
Căn cứ vào xu hướng của thế giới, đại diện VAMA kiến nghị Việt Nam sớm ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe, cụ thể là HEV (Xe điện hybid hay xe lai), PHEV (Xe điện hybid sạc ngoài), BEV (Xe điện hoàn toàn) và FCEV (Xe điện pin nhiên liệu).
Ông Hiroyuki Ueda đề xuất, trong giai đoạn ngắn và trung hạn, xe HEV và PHEV có thể sớm phổ biến tại Việt Nam vì không yêu cầu hệ thống trạm sạc điện rộng khắp. Trong dài hạn, cùng với việc mở rộng các loại năng lượng tái tạo, BEV sẽ phổ biến hơn khi hệ thống trạm sạc điện đã được phủ khắp và thời gian sạc điện được rút ngắn hơn.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ cho sản xuất xe điện hóa tại Việt Nam như ưu đãi thuế môi trường, áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho từng dòng xe điện căn cứ vào mức phát thải CO2, Chính phủ cũng giảm lệ phí trước bạ để khuyến khích sử dụng xe điện.
Cùng với đó là chính sách khuyến khích đầu tư trạm sạc, xây dựng mạng lưới trạm sạc nhanh có thể sử dụng được cho xe của nhiều thương hiệu, trước tiên là tại các thành phố lớn và các điểm dừng chân trên quốc lộ.
Thế Đạt/TC công thương