Trang chủ Bất động sản Đà Nẵng: Khởi công cảng biển lớn nhất miền Trung

Đà Nẵng: Khởi công cảng biển lớn nhất miền Trung

bởi Linh

Thứ bảy, 10/12/2022

Cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại 1 và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt.

Kết nối liên vùng

Theo UBND TP. Đà Nẵng, ngày 14/12/2022 tới đây, dự án Cảng Liên Chiểu sẽ được khởi công hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Đây là 1 trong 2 nhóm hạng mục của dự án Cảng Liên Chiểu. Trong đó, nhóm 1 là hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung liên quan đến đầu tư công gồm có đê chắn sóng, nạo vét vùng biển và đường kết nối vào cảng Liên Chiểu; nhóm 2 là các bến cảng, cầu cảng và khu hậu cần logistics là phần kêu gọi đầu tư.

Theo đồ án quy hoạch đã điều chỉnh, tổng diện tích khu cảng biển Liên Chiểu rộng 450 ha, với ranh giới vị trí: phía Bắc giáp đèo Hải Vân, phía Nam giáp cửa sông Cu Đê, phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng và phía Tây giáp đường tránh Nam Hải Vân. Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với quy mô đầu tư xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 TEUS cụ thể: kè chắn sóng và đê chắn sóng có chiều dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m). Luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải. Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.

Kết nối liên vùng

Phối cảnh cảng Liên Chiểu

Hệ thống giao thông đường bộ dùng chung của Bến cảng Liên Chiểu chạy dọc theo ranh giới quy hoạch, giáp chân núi và tuyến đường bờ hiện hữu, bảo đảm khả năng kết nối đến từng khu chức năng cảng, chỉ tiêu cấp đường đáp ứng ô tô chuyên dụng, kết cấu mặt đường cấp cao A1. Giao thông đường biển, luồng hàng hải vào cảng biển Liên Chiểu được thiết lập mới có chiều dài hơn 7km, bề rộng 160-220m, cao trình đáy luồng từ 14,6-17,8m; giao thông đường sắt sẽ định hướng kết nối đường sắt từ ga Kim Liên vào đến trong cảng Liên Chiểu với chiều dài 1,5km, chạy dọc theo đường sau cảng vào khu bãi hàng hóa đường sắt. Tổng mức đầu tư của hợp phần này 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng).

Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động, Cảng biển Liên Chiểu sẽ có không gian khai thác cảng được tổ chức theo hướng mở, trong đó điểm nhấn là các công trình kiến trúc văn phòng, nhà điều hành… kết hợp với các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa kích thước lớn, công nghệ hiện đại. Cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại 1 và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sự kiện khởi công hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án cảng Liên Chiểu có ý nghĩa quan trọng giúp thành phố xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ cảng Liên Chiểu – cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung nhằm tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng và khu vực trong thời gian tới.

Hướng đến cảng đặc biệt quốc gia

Dự án xây dựng cảng biển Liên Chiểu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng vào năm 2016 và UBND TP. Đà Nẵng triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và trình Bộ Giao thông-Vận tải. Đầu năm 2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc giao UBND TP. Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư, xây dựng cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến cuối năm 2019, việc có thực hiện xây dựng cảng biển Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa hiện tại vẫn chưa có quyết định cụ thể.

Các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần khẩn trương xây cảng Liên Chiểu để bắt kịp nhịp phát triển của địa phương, vì cảng Tiên Sa không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Đà Nẵng. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng hóa của cảng Đà Nẵng hiện đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo sẽ tăng lên khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt quá năng lực của cảng Tiên Sa, đồng thời vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô thành phố, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, tác động môi trường, gây tiêu cực đến định hướng phát triển du lịch của thành phố. Do đó, việc sớm đầu tư cảng Liên Chiểu là rất cần thiết và cấp bách.

Tại buổi kiểm tra địa điểm dự kiến xây Bến cảng Liên Chiểu và làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc di dời cảng hàng hóa Tiên Sa ra Liên Chiểu là chủ trương rất đúng. Theo Bộ trưởng, Cảng Liên Chiểu là của cả miền Trung chứ không phải chỉ riêng Đà Nẵng và tương lai sẽ là một trong ba cảng biển lớn nhất của cả nước. Phía Bắc có cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), phía Nam có cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và miền Trung phải là cảng Liên Chiểu. Đà Nẵng buộc phải điều chỉnh lại định hướng phát triển, phải tìm hướng đi mới, động lực mới, không gian phát triển mới. Có như vậy thành phố mới có dư địa để phát triển tiếp, nếu không sẽ chậm lại.

Cùng thời điểm này, Công ty tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) đã có báo cáo kết quả cuối cùng của nghiên cứu tiền khả thi dự án phát triển cảng Liên Chiểu do hai đơn vị phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Kinh tế – thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI). Theo đó, giai đoạn 1, dự án sẽ xây một bến hàng tổng hợp và một bến container. Về phân chia chức năng, cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container, cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn. Về nguồn lực đầu tư, dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Cụ thể, phần đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng sẽ được triển khai từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có cân nhắc khả năng vay vốn ODA do Chính phủ Việt Nam đứng ra vay, thành phố Đà Nẵng sẽ vay lại. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến dự kiến sẽ huy động đầu tư từ nguồn vốn của tư nhân.

Thay mặt đối tác hợp tác đầu tư Sumitomo (Nhật Bản), bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG bày tỏ nguyện vọng được nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Đồng thời, đưa ra kế hoạch và lộ trình để đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia. Dựa vào định hướng phát triển của cảng Liên Chiểu khi có lợi thế gần đường sắt, đường bộ, các luồng hàng hải quốc tế, gần trung tâm logistics, sân bay, lại được đón nguồn hàng phía Tây (Thái Lan, Myanmar), nên nhà đầu tư muốn đưa Liên Chiểu tiến lên cảng đặc biệt, cảng giao thương trung chuyển lớn nhất khu vực miền Trung.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022, ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani thuộc Tập đoàn Adani (Tập đoàn chuyên về cảng và tiếp vận hàng đầu của Ấn Độ) cho biết, Đà Nẵng sẽ là điểm khởi đầu trong hành trình của Adani tại Việt Nam. Tập đoàn Adani cam kết phát triển Cảng Liên Chiểu trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới và biến Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế thương mại của toàn khu vực miền Trung Việt Nam.

Nguyên Đỗ/TB ngân hàng

Có thể bạn quan tâm