Trang chủ Kinh doanh Ồ ạt trồng sầu riêng, chanh leo, Bộ Nông nghiệp phát đi cảnh báo

Ồ ạt trồng sầu riêng, chanh leo, Bộ Nông nghiệp phát đi cảnh báo

bởi Linh

Thứ hai, 12/12/2022

Từ khi sầu riêng và chanh leo của Việt Nam được xuất khẩu tiểu ngạch Trung Quốc đã giúp cho giá hai loại nông sản này tăng mạnh. Từ đó, nhiều địa phương đã ồ ạt chặt bỏ cây trồng khác để thay thế bằng sầu riêng và chanh leo. Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo.

Ồ ạt trồng sầu riêng, chanh leo, Bộ Nông nghiệp phát đi cảnh báo

Phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo theo vùng tập trung

Để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát diện tích trồng trên địa bàn xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Nội dung Chỉ thị nêu rõ: Từ tháng 7/2022 trái sầu riêng, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn cho sản xuất.

Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu, sầu riêng, chanh leo cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức như: phát triển nóng về diện tích, tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng…Việc quản lý chất lượng cây giống, đặc biệt là việc quản lý một số bệnh vi rút trên cây giống cây chanh leo cần tiếp tục được cải thiện; quy mô sản xuất nhỏ, nhiều hộ nông dân, vùng sản xuất còn thực hiện quy trình canh tác chưa bền vững; tác động của biến đổi khí hậu…

Để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Quy mô phù hợp với Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.

Các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.

Các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.

Đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, thực hiện kiểm tra một số bệnh vi rút trên cây giống cây chanh leo trước khi xuất vườn; hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Tăng cường phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh virus hại chanh leo.

Phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo theo vùng tập trungChanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên nông sản này tăng giá mạnh.

Khuyến khích đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến

Chỉ thị cũng đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến; liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và liên kết với nông dân sản xuất sầu riêng, chanh leo tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

Khuyến khích đầu tư cơ sở bảo quản, chế biếnCần có sự phối hợp từ các bộ, ngành tới địa phương và doanh nghiệp để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô phù hợp theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Cục chủ trì tổ chức liên kết vùng, liên kết các địa phương rải vụ thu hoạch sầu riêng có hiệu quả; rà soát, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây giống sầu riêng, chanh leo; vườn ươm nhân giống chanh leo sạch bệnh.

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời rà soát, hướng dẫn danh mục thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất sử dụng trong sản xuất, sau thu hoạch sầu riêng, chanh leo; kịp thời cập nhật, phổ biến danh mục hoạt chất cấm sử dụng của các thị trường nhập khẩu; Thúc đẩy đàm phán ký kết các Hiệp định về kiểm dịch thực vật, mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, nhất là các thị trường lớn, tiềm năng.

Trước đó, thấy sầu riêng tăng giá mạnh, thậm chí giá tăng gấp 3 lần, tại nhiều vùng trồng sầu riêng ở nước ta xảy ra tình trạng người nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Các chuyên gia cảnh báo, khi diện tích tăng quá nóng, sầu riêng dễ thành sầu chung. Sầu riêng và chanh leo xuất khẩu Trung Quốc đã tạo cơ hội lớn cho những nông sản này, tuy nhiên để giữ vững thị trường cần tuân thủ các tiêu chuẩn. Việc ồ ạt mở rộng diện tích mà không kiểm soát chất lượng sẽ dẫn tới những hệ lụy./.

Khánh Ngân/THSP

Có thể bạn quan tâm