Thứ tư, 28/12/2022
Một trong những yếu tố chính giúp Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung là số lượng “kỳ lân” công nghệ.
Càng hình thành nhiều startup có trị giá từ 1 tỷ USD, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam càng đón nhận nhiều nguồn vốn đầu tư.
Có sẵn “đường băng” cho “kỳ lân”
Theo dự đoán mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong thời gian tới, “kỳ lân” công nghệ mới của khu vực châu Á và Thái Bình Dương khả năng cao sẽ là cái tên đến từ Việt Nam. Cơ sở cho nhận định này được ADB đưa ra là do hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam được xây dựng tương đối vững chắc và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các startup.
Tiki hiện là gương mặt sáng giá nhất để trở thành DN có giá trị tỷ USD tiếp theo của Việt Nam. Ảnh Tiki
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có tổng cộng 4 “kỳ lân” công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD gồm: VNG, Sky Mavis, VNLife và M_Service. Trong đó VNG và Sky Mavis là những cái tên nổi bật trong mảng game trực tuyến. Còn VNLife và M_Service đang là những đơn vị dẫn đầu về cổng thanh toán cùng ví điện tử với các sản phẩm VNPAY và Momo.
Bên cạnh đó, hàng loạt các startup cận “kỳ lân” đã có thể điểm mặt như Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Trusting Social … đều đang có sự phát triển với tốc độ cao trong những năm gần đây với nguồn vốn rót vào được tăng liên tục.
Trong số này, Tiki hiện là gương mặt sáng giá nhất để trở thành DN có giá trị tỷ USD tiếp theo của Việt Nam. Tính đến thời điểm tháng 10/2021, tại vòng gọi vốn thành công khi có được khoản đầu tư lên đến 240 triệu USD, Tiki đã được định giá 832 triệu USD, tiệm cận với con số 1 tỷ USD. Ngoài ra sàn thương mại điện tử này còn có kế hoạch IPO tại Mỹ vào thời điểm đầu năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2025, nếu thành công, Tiki chắc chắn sẽ là “kỳ lân” công nghệ tiếp theo. Một trong những nguyên nhân chính khiến Ngân hàng ADB tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sản sinh ra nhiều “kỳ lân” công nghệ trong tương lai là do sự trợ giúp rất tính cực từ chính sách.
Báo cáo của ADB chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các startup trong lĩnh vực công nghệ là động lực mới của tăng trưởng cho quốc gia. Để tạo thuận lợi cho quá trình này, Chính phủ đã bắt đầu tập hợp những yếu tố chủ chốt, ví dụ như các ưu đãi khuyến khích về chính sách và tài chính, để tạo ra và xây dựng thế hệ “kỳ lân” khởi nghiệp tiếp theo của Việt Nam.
Trên thực tế, ngay từ năm 2020, tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam cũng đã nêu rõ vai trò của các “kỳ lân” công nghệ. Theo đó, trước năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có từ 5 – 10 DN số trụ cột nhằm giải quyết các bài toán đặc thù trong nước cũng như đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành “cái nôi” của startup tại khu vực Đông Nam Á khi lượng vốn rót cho các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là với mảng công nghệ ngày một tăng. Trong giai đoạn 2020 – 2022, số tiền này vào khoảng gần 2 tỷ USD và dự kiến giai đoạn 2023 – 2025 con số này sẽ vươn lên đạt 5 tỷ USD.
Theo nhiều chuyên gia, để có được số tiền đầu tư “khủng” như trên, vai trò của các “kỳ lân” công nghệ là rất lớn. Bốn “kỳ lân” mà chúng ta đang có là cơ sở rất quan trọng để các quỹ đầu tư tập trung rót tiền vào những startup trong nước. Do đó, càng sở hữu nhiều “kỳ lân”, startup Việt lại càng có nhiều lợi thế, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư.
Startup cần gì để thành “kỳ lân”?
Nói về hành trình từ một ứng dụng thanh toán không ai biết cho đến khi trở thành “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam, Phó Chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp chia sẻ, startup phải làm được những điều không ai tin rẳng có thể làm được. Phải có sự sáng tạo hoàn toàn khác biệt, bởi nếu một sản phẩm ai cũng biết, ai cũng làm được thì sẽ rất khó để làm lớn.
“Tính tới hiện tại, MoMo đã có 15 năm phát triển nhưng trong 10 năm đầu tiên, không ai tin rằng ứng dụng này có thể phát triển và tồn tại được. Nguyên nhân là do thời điểm đó smartphone chưa thực sự phổ biến mà MoMo lại làm lĩnh vực quá mới là thanh toán trên di động. Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để có ngày hôm nay” – ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch MoMo, để có khả năng trở thành “kỳ lân”, startup công nghệ cần tạo ra sản phẩm có tác động đến rất nhiều người và phải có hàm lượng công nghệ rất cao. Bên cạnh đó, người điều hành cần phải có tầm nhìn để đưa sản phẩm đi đúng hướng, phục vụ cho 10 người sẽ rất khác so với phục vụ 100 hoặc 1.000 người. Ngoài ra, quản lý tài chính, kiểm soát và phân bổ dòng tiền cũng là yếu tố sống còn với các startup.
Có cùng quan điểm, Giám đốc Quỹ đầu tư Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, xu thế chung của startup trên thế giới hiện nay thay vì sao chép như trước đã chuyển sang nắm giữ các công nghệ lõi để hướng tới khả năng cạnh tranh lâu dài trong tương lai. Muốn có sản phẩm có thể phát triển bền vững cần đòi hỏi nhiều chất xám hơn. “Tại Việt Nam, hai lĩnh vực hiện đang thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất là bán lẻ và thanh toán. Các lĩnh vực khác như tài chính, quản lý tài sản, giáo dục, cho vay… cũng đang trong giai đoạn trở thành xu hướng kế tiếp” – bà Vy chia sẻ.
Còn theo Giám đốc công nghệ Hồ Sỹ Việt Anh của “kỳ lân” Sky Mavis, niềm tin và minh bạch, ngay cả ở giai đoạn khó khăn nhất sẽ quyết định tới thành bại của startup. Đơn cử như vào tháng 3/2022, nền tảng Ronin Network của Sky Mavis đã bị tin tặc tấn công do lỗi hệ thống dẫn đến thất thoát hàng trăm triệu USD. Thay vì đổ lỗi, tìm lý do thoái thác, chúng tôi đã tập trung tìm giải pháp, công khai thông tin cho nhà đầu tư và khách hàng, cùng với đó là nâng cao độ bảo mật của hệ thống.
Chính nhờ sự minh bạch và cầu thị này, ngay sau vụ tấn công trên Sky Mavis đã tiếp tục gọi vốn thành công thêm 150 triệu USD. “Cũng chính niềm tin vào những gì mình đang làm đã giúp Sky Mavis kêu gọi và giữ chân được người tài để hướng tới mục tiêu chung. Niềm tin khiến chúng tôi vượt qua được nỗi sợ khi dấn thân vào những lĩnh vực cực kỳ mới mẻ như Web3, Blockchain và tài sản số… để cạnh tranh trên thị trường quốc tế” – ông Hồ Sỹ Việt Anh chia sẻ.
Nguồn: kinhtedothi.vn