Trang chủ Thời sự Thủ tướng: Cần phản ứng chính sách kịp thời và linh hoạt hơn nữa

Thủ tướng: Cần phản ứng chính sách kịp thời và linh hoạt hơn nữa

bởi Linh

Thứ hai, 19/12/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, thích ứng với tình hình, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt hơn nữa. Phải nắm chắc tình hình và phản ứng chính sách kịp thời; lựa chọn ưu tiên phù hợp.

Chủ trì và phát biểu ý kiến tại Phiên toàn thể cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã lắng nghe, ghi nhận và đánh giá cao các nội dung, ý kiến.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp, “tất cả đều phải vào cuộc”, càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức.

Thủ tướng: Cần phản ứng chính sách kịp thời và linh hoạt hơn nữaThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu ý kiến tại Phiên toàn thể cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm

Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng, thị trường lao động… Đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Khi các vấn đề nảy sinh cùng một lúc và trong lúc khó khăn thì khối lượng công việc phải xử lý nhiều và nặng nề hơn. “Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, trong xử lý cũng không có giải pháp, phương án nào là hoàn hảo mà phải lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Cùng với điểm lại tình hình, kết quả, nguyên nhân, bài học trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu các quan điểm, định hướng điều hành phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.

Nhấn mạnh năm tới là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng nhận định, năm 2023 tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thống nhất với các đề xuất, góp ý rất trúng và đúng tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu một số vấn đề trọng tâm trong quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành trong năm 2023 và thời gian tới trên tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, thích ứng với tình hình, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt hơn nữa. “Phải nắm chắc tình hình và phản ứng chính sách kịp thời; lựa chọn ưu tiên phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn. Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm cân bằng, hợp lý, hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Về tài khóa, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chi tiết kiệm tối đa; nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế.

Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội qua hợp tác công tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng thực hiện có thể phân kỳ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng nghề; đảm bảo ổn định giá cả; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm qua; đồng thời tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý và những hành động thiết thực giúp Việt Nam phát triển, trên tin thần tin cậy, hiệu quả.

Lê Đỗ/TB ngân hàng

Có thể bạn quan tâm