Xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang ngày càng tăng mạnh, phần lớn do rủi ro địa chính trị và bất ổn kinh tế gia tăng, cùng với sự biến động của chính sách thương mại Mỹ. Điều này không chỉ thể hiện sự chuyển dịch dần dần khỏi đồng bạc xanh mà còn cho phép các ngân hàng đa dạng hóa danh mục dự trữ của mình.
Các chuyên gia tại Malaysia cho rằng, tình hình địa chính trị toàn cầu ngày càng bất ổn là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu mua vàng. Căng thẳng giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa phương Tây và Nga, đã khiến nhiều quốc gia tìm kiếm sự tự chủ tài chính lớn hơn. Vàng, với tư cách là tài sản trung lập, không chịu sự kiểm soát về mặt chính trị hoặc pháp lý của bất kỳ quốc gia nào, đã trở thành kho lưu trữ giá trị đặc biệt hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương. Điều này giúp họ bảo vệ khỏi hậu quả tiềm tàng của các lệnh trừng phạt, tranh chấp thương mại hoặc chiến tranh tiền tệ.
Nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, đang giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD một cách có hệ thống và tăng cường nắm giữ các tài sản như vàng. Bên cạnh vai trò là tài sản phòng ngừa rủi ro địa chính trị, vàng cũng tiếp tục đóng vai trò là công cụ phòng ngừa lạm phát. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã giảm bớt kể từ đỉnh điểm đại dịch COVID-19, nhưng ở nhiều nền kinh tế, lạm phát lõi vẫn ở mức cao.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã và đang trong giai đoạn mua ròng mạnh mẽ kéo dài nhiều năm, với hơn 1.000 tấn vàng được mua mỗi năm kể từ năm 2022. Riêng trong tháng 5/2025, các ngân hàng trung ương đã mua thêm 20 tấn vàng. Các chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, với dự báo dao động từ 3.300 – 4.000 USD/ounce vào cuối năm. Vì vậy, các ngân hàng trung ương gần như chắc chắn sẽ tiếp tục mua vàng để phòng ngừa lạm phát, rủi ro địa chính trị và tài chính, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.