Thứ hai, 26/12/2022
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều dấu mốc lịch sử, lần đầu tiên vượt 700 tỷ USD, xuất siêu lên tới 10 tỷ USD. Ngoài ra, đã có 08 ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ 10 tỷ USD”, đồng thời có đến 35 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 01 tỷ USD.
Với kết quả xuất khẩu ấn tượng, thủy sản trở thành thành viên mới của “Câu lạc bộ 10 tỷ USD”
Giữ nhịp tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2022 có thể đạt 372-374 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch.
Tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021, nhờ đó, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2022 ước đạt 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực. Kim ngạch nhóm hàng công nghiệp, chế biến ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
Thủy sản là thành viên mới của “câu lạc bộ 10 tỷ USD” với kết quả xuất khẩu ấn tượng trên 11 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt con số kỷ lục trên 1 tỷ USD, tôm vượt 4 tỷ USD, cá tra trên 2 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng đều đạt 2 con số.
Ngành phân bón xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 11 vẫn đạt giá trị 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Về nông sản, mặt hàng gạo cũng về đích sớm ngay từ tháng 11, sản lượng xuất khẩu gần 6,7 triệu tấn, tương đương giá trị 3,2 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục gần 1,7 triệu tấn, tương đương giá trị 3,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng ghi nhận đà tăng khá ấn tượng như: Túi xách, va li, mũ, ô dù tăng 39%; hàng dệt và may mặc tăng 18,5%, nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng của xuất khẩu năm 2022 đến từ việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết với Việt Nam đều tăng trưởng ở mức cao: Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%,…
Đối mặt nhiều thách thức
Mặc dù kết quả bám sát kế hoạch, xuất khẩu vẫn đối mặt nhiều thách thức trong thời gian tới. Tình trạng lạm phát làm cho giá cả leo thang, sức mua yếu, lượng hàng tồn kho cao. Ngoài ra, xung đột quân sự trên thế giới khiến chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên liệu. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 11 ghi nhận mức trưởng âm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ,… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi cũng đều bị giảm đáng kể. Tình trạng có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 12 của năm 2022 và sang cả quý I/2023.
Không ngoại lệ, lần đầu tiên trong vòng hai năm trở lại đây, ngành dệt may ghi nhận mức tăng trưởng âm. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đơn hàng trong quý I/2023 của các doanh nghiệp dệt may tại TP.Hồ Chí Minh đều sụt giảm 20%-30%.
Đại diện Hội Cao su – Nhựa TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết từ cuối tháng 9/2022 đến nay, hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn, đơn hàng giảm gần một nửa so với trước. Không chỉ vậy, đơn hàng cung ứng nội địa cũng còn khoảng 80%.
Về giải pháp khắc phục các khó khăn và thách thức, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh khai thác các FTA, phổ biến, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung. Bộ cũng tăng cường kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Điểm mới nữa là Bộ đã định kỳ tổ chức hội nghị giao ban giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bộ Công Thương khuyến cáo các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam, để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp. Đồng thời, tăng cường thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới; chính sách, quy định mới của các quốc gia là thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam, để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến nghị cần tiếp tục khai thác các lợi thế từ FTA và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu,… Bên cạnh đó, đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới. Các hiệp hội, ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)